Giu Chan Nguoi Tai

Kỹ năng quản trị nhân sự: Làm thế nào để giữ chân người tài?

Hội nhập kinh tế toàn cầu mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại không ít thách thức đối với doanh nghiệp và người lao động. Một trong số những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp chính là thu hút và giữ chân người tài. Với 6 kỹ năng quản trị nhân sự dưới đây, chủ doanh nghiệp sẽ giải quyết được bài toán giữ chân người tài.

1. Chính sách tuyển dụng người tài

Người tài đi đâu cũng được hoan nghênh. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp của bạn không xây dựng được chính sách thu hút người tài rõ ràng, hấp dẫn thì bạn khó có thể sở hữu trong tay đội ngũ nhân lực tài năng.

Vậy chính sách tuyển dụng như thế nào mới được coi là “hấp dẫn”? Bên cạnh mức lương, người tài thường dựa vào các yếu tố sau để lựa chọn hạ neo tại doanh nghiệp:

  • Người phỏng vấn: thiện cảm cùng tư tưởng quan điểm đồng nhất giữa người phỏng vấn và người ứng tuyển sẽ là một trong những yếu tố quyết định khiến ngươì ứng tuyển đưa ra quyết định. Nếu khi đó, họ đang có nhiều sự lựa chọn tương đồng, chắc chắn người phỏng vấn có thiện cảm sẽ khiến doanh nghiệp của bạn được ưu ái hơn.
  • Môi trường làm việc: ấn tượng đầu tiên về môi trường làm việc sẽ khiến người ứng tuyển xây dựng cho mình một cái nhìn cảm tính về những gì mình sẽ làm trong chính môi trường đó trong tương lai. Vì vậy, môi trường làm việc thông thoáng, nhiều cây xanh, không gian mở sẽ được các ứng viên lựa chọn nhiều hơn.
  • Danh tiếng của doanh nghiệp: thường các ứng viên sẽ thiên về các doanh nghiệp quy mô lớn. Bởi họ mặc định rằng các doanh nghiệp lớn sẽ có cơ cấu tổ chức, phân chia công việc rõ ràng, quy trình làm việc bài bản, được tiếp xúc với nhiều khách hàng lớn, được trải nghiệm nhiều case study lớn. Các doanh nghiệp nhỏ, tên tuổi chưa được biết đến nhiều cũng có thể dựa vào các yếu tố trên để thu hút người tài.
  • Khoảng cách địa lý: khoảng cách từ nhà đến văn phòng trong vòng bán kính 5-7km thường sẽ không phải là vấn đề đáng xem xét trong việc lựa chọn doanh nghiệp của các ứng viên. Nhưng nếu khoảng cách địa lý từ nơi ở của ứng viên tới văn phòng lên đến hơn 10km thì lại là một vấn đề đáng để xem xét. Trong trường hợp này, doanh nghiệp thông minh có thể đưa ra những chính sách tuyển dụng đặc biệt hơn như hỗ trợ tiền đi lại, xe đưa đón tận nhà, giờ làm việc muộn hơn,…
  • Thời gian làm việc: đối với những ứng viên tài giỏi, thời gian làm việc linh hoạt sẽ thu hút hơn các doanh nghiệp có thời gian làm việc cứng nhắc. Chính vì thế, ngay từ khi phỏng vấn, doanh nghiệp cần cho các ứng viên nhìn rõ những lợi ích về thời gian khi tham gia vào đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp.

2. Văn hóa doanh nghiệp

Tuyển được người tài đã khó, giữ chân người tài lại càng khó hơn. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, văn hóa doanh nghiệp càng cần phải được lưu tâm nhiều hơn. Văn hóa doanh nghiệp ở đây bao gồm:

  • Tư tưởng của các thành viên trong doanh nghiệp: cầu thị, thành thực, tự giác, khôn khéo, tự tin, sáng tạo,…
  • Văn hóa hữu hình (trang phục làm việc, môi trường làm việc, lợi ích, khen thưởng, đối thoại nội bộ, cân bằng công việc cuộc sống, mô tả công việc, cấu trúc tổ chức, các mối quan hệ,…)
  • Văn hóa vô hình (đối thoại riêng tư, quy tắc vô hình, thái độ, niềm tin, thế giới quan, tâm trạng, cảm xúc, biểu hiện vô thức, cách hiểu vô thức, giả định, tiêu chuẩn,…)

Văn hóa hữu hình thì dễ quan sát, là lớp bề mặt của văn hóa còn văn hóa vô hình thì khó quan sát nhưng lại ảnh hưởng sâu và mạnh hơn rất nhiều văn hóa hữu hình.

Bản chất của văn hoá doanh nghiệp là đối nội phải tăng cường tiềm lực, quy tụ được sức sáng tạo của công nhân viên chức, khích lệ họ sáng tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp; đối ngoại phải được xã hội bản địa chấp nhận.

Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Cấp dễ thấy nhất thể hiện ngay trong công việc hàng ngày nhưng cách báo cáo công việc, giữ gìn tài sản chung, ngôn ngữ khi giao tiếp với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, các thủ tục hành chính… Cấp thứ hai là các giá trị tinh thần xác định việc phải làm, hành động của mình đúng hay sai, có mang lại lợi ích hay thiệt hại chung hay không. Đây là điều Lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn nhận được ở nhân viên và phải xây dựng dần từng bước. Cấp thứ ba là nền tảng cho các hành động chính là niềm tin, nhận thức, suy nghĩ và xúc cảm được coi là đương nhiên ăn sâu trong tiềm thức mỗi cá nhân trong doanh nghiệp. Các ngầm định nền tảng này là nền tảng cho các giá trị và hành động của mỗi thành viên. Văn hóa kinh doanh trong một tổ chức đã tiến đến mức độ cao nhất, trở thành một thứ Đạo, mà từ thế hệ này tới thế hệ khác tôn sùng và làm theo.

3. Chế độ đãi ngộ

Chế độ đãi ngộ thường bao gồm các yếu tố chính sau:

  • Lương, tần suất tăng lương định kỳ
  • Phúc lợi: du lịch, bảo hiểm
  • Chế độ nghỉ phép
  • Chế độ khi nhân viên có hỷ sự, ốm đau,…
  • Phụ cấp

Nếu doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt, tất  yếu sẽ thu hút nhân tài quy tụ về tổ chức. Đất lành chim đậu chính là ý nghĩa như thế.

4. Cơ hội phát triển

Đây là yếu tố giữ chân người tài, đặc biệt thu hút đối với những ứng viên trẻ. Bởi một môi trường với cơ hội phát triển to lớn, học hỏi được nhiều điều hay không chỉ trong lĩnh vực của mình mà còn mở rộng ra cách đối nhân xử thế, các kỹ năng mềm cần thiết trong công việc chắc chắn sẽ là thỏi nam châm lớn thu hút một lượng đông đảo những con người tài năng.

Trong cuộc phỏng vấn với ứng viên tiềm năng, bạn hãy trao cho họ những cam kết về cơ hội phát triển. Cam kết này cũng được thể hiện ngầm thông qua cơ cấu tổ chức, các dự án lớn doanh nghiệp triển khai,…

5. Lãnh đạo tài đức

Không gì thu hút nhân tài bằng việc cho họ cơ hội được làm việc trực tiếp với những người lãnh đạo tài giỏi trong chính mảng của mình. Người tài đều biết rằng con đường của họ sẽ rộng mở hơn nếu bên cạnh là một người dẫn đường giỏi giang. Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều người sẵn sàng chấp nhận làm việc không lương hoặc làm việc với mức lương thấp, mục tiêu chỉ để có thể theo sau học hỏi những người lãnh đạo tài ba.

Nếu doanh nghiệp của bạn đáp ứng được tất cả những yếu tổ trên, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về bài toán quản trị nhân sự trong nội bộ doanh nghiệp của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published.